Hiểu như thế nào là tài liệu Quý hiếm và đặc biệt quý hiếm
Mức độ quý hiếm của tài liệu lưu trữ phụ thuộc vào nhiều tiêu chí như nội dung, hình thức tài liệu, thời gian, địa điểm hình thành tài liệu... Trong quá trình thực hiện Đề án “Sưu tầm tài liệu quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã xác định một số tiêu chí lựa chọn tài liệu lưu trữ quý, hiếm thuộc diện sưu tầm, các tiêu chí này được xác định như sau:
Tiêu chí tài liệu lưu trữ thuộc loại quý hiếm
1. Tiêu chí về nội dung:
a) Phản ánh sự kiện lịch sử của dân tộc;
b) Phản ánh những bước phát triển về tư tưởng, chính trị, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và thể thao.
c) Phản ánh lịch sử bộ máy nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử;
d) Phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử;
đ) Phản ánh thân thế và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử tiêu biểu.
2) Tiêu chí về hình thức tài liệu.
a) Độc đáo về vật mang tin (lá, gỗ, vải, da, giấy gió...);
b) Độc đáo về ngôn ngữ thể hiện, hình thức trình bày, kỹ thuật chế tác (hình vẽ, hoa văn, ký hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh...);
c) là bản chính, bản gốc bản thảo viết tay hoặc có bút tích của các cá nhân tiêu biểu.
3. Tiêu chí về thời gian, địa điểm
a) Tài liệu được hình thành sớm trong lịch sử Việt Nam;
b) Tài liệu được tạo ra trong khoảng thời gian hoặc tại nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguồn tài liệu:
1. Cá nhân, gia đình, dòng họ:
a) Nhà hoạt động chính trị, hoạt động chính trị - xã hội tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho đất nước;
b) Cá nhân đoạt giải thưởng cấp nhà nước và quốc tế;
c) Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;
d) Nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, cá nhân nổi tiếng hoạt động trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, lịch sử, văn học, nghệ thuật...
đ) Gia đình, dòng họ có nhiều dấu ấn trong lịch sử.
e) Cá nhân, gia đình, dòng họ lưu giữ được tài liệu có giá trị.
2. Tổ chức trong và ngoài nước:
a) Bảo tàng, thư viện, lưu trữ, phòng truyền thống, nhà văn hóa...
b) Cơ sở thờ tự (đình, chùa, đền...).
c) Tổ chức kinh tế phi nhà nước.
(Theo Công văn số 428/VTLTNN-NVĐP ngày 21/6/2011 vv khái niệm tài liệu quý, hiếm và đặc biệt quý, hiếm và Quy chế số 278/QC-VTLTNN ngày 16/4/2010 của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước về sưu tầm tài liệu lưu trữ).
-------------------------------
Hoàng Tùng Phong