Thứ hai, ngày 21 tháng 07 năm 2025
Cập nhật lúc: 24/08/2024

Góp thêm tư liệu về năm sinh cụ Phan Đình Phùng

Góp thêm tư liệu về năm sinh cụ Phan Đình Phùng

Ngày đăng: 14/05/2019
Căn cứ vào tư liệu Mộc bản sách “Quốc triều Đăng khoa lục”, có thể thấy Phan Đình Phùng sinh năm Giáp Thìn (tức là năm 1844).

Phan Đình Phùng sinh tại làng Đông Thái, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, trọng đạo nghĩa. Phan Đình Phùng là con của cụ Phó bảng Phan Đình Tuyển, anh của Phó bảng Phan Đình Vận, cháu họ của Phó bảng Phan Văn Nhã, em của cử nhân Phan Đình Thuật, chú của cử nhân Phan Văn Du, cháu họ của cử nhân Phan Văn Phong, em họ của cử nhân Phan Văn Dự(1)

Phan Đình Phùng đỗ cử nhân năm 1876, đậu Đình nguyên tiến sĩ năm 1877 nên nhân dân địa phương vẫn thường gọi là cụ Đình. Cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau đó được mời về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử Đô sát viện. Năm 1883, nhận thấy hai phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế truất vua Dục Đức, tôn Hiệp Hòa lên làm vua, ông phản đối nên bị cắt chức và đưa về nguyên quán.

Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập nghĩa sĩ chống quân Pháp. Các anh hùng hào kiệt khắp bốn tỉnh Bắc Trung kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) tự nguyện tham gia lực lượng dưới quyền chỉ huy của cụ Đình. Nghĩa quân chọn vùng rừng núi hiểm trở để xây dựng căn cứ nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài(2). Khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong Phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân ở miền xuôi lẫn miền ngược, cả về sức lực lẫn của cải vật chất.

Cho đến nay, năm sinh của người anh hùng dân tộc Phan Đình Phùng vẫn chưa có sự thống nhất, nhiều tài liệu ghi chép khác nhau, như: sách Đại cương Lịch sử Việt Nam tập II, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2001, tại trang 79 ghi: Phan Đình Phùng sinh năm 1847; sách Lịch sử cận – hiện đại Việt Nam, một số vấn đề nghiên cứu, Nhà xuất bản Thế giới năm 1998, tại trang 85 ghi: Phan Đình Phùng sinh năm 1847; sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản KHXH năm 1992, tại trang 779 ghi: Phan Đình Phùng sinh năm 1844...

Trong quá trình nghiên cứu khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, chúng tôi đã phát hiện một số tài liệu quan trọng, có giá trị liên quan đến năm sinh của Phan Đình Phùng. Xin được giới thiệu đến các nhà nghiên cứu và độc giả.

Trong sách “Quốc triều Đăng khoa lục”, quyển 3, mặt khắc 6 có khắc về khoa thi Hội năm Đinh Sửu – niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1877).

Bản dập Mộc bản sách “Quốc triều Đăng khoa lục”, quyển 3, mặt khắc 6 có khắc về khoa thi Hội năm Đinh Sửu – niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1877).

Bản dịch nguyên văn:

Phan Đình Phùng

Sắc ban đệ Tam giáp (Đồng tiến sĩ xuất thân)

(Cha con, anh em, chú cháu cùng đăng khoa)

Sinh năm Giáp Thìn

Quê quán: Yên Đồng, La Sơn, Hà Tĩnh

Đỗ cử nhân khoa thi năm Bính Tý (1876)

Đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân năm 34 tuổi

“Quốc triều Đăng khoa lục” trong khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn có nội dung ghi chép tiểu sử những người đỗ đại khoa dưới triều Nguyễn, từ năm Nhâm Dần (1842), đời vua Thiệu Trị đến năm Kỷ Mùi (1919), đời vua Khải Định. Đây là cuốn sách được triều đình cho san khắc với quy trình hết sức chặt chẽ và nghiêm cẩn. Điều này khẳng định tính chính xác và độ tin cậy cao của các thông tin được ghi chép trong cuốn sách này.

Căn cứ vào tư liệu trên, chúng ta có thể thấy cụ Phan Đình Phùng sinh năm Giáp Thìn (tức là năm 1844)./.

Chú thích:

(1) Khoa bảng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình qua Mộc bản Triều Nguyễn, NXB Chính trị quốc gia, 2012.

(2) Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II, Giáo Dục, 2001.

Tài liệu tham khảo:

Hồ sơ H62A/3, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Khoa bảng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình qua Mộc bản Triều Nguyễn, NXB Chính trị quốc gia, 2012

Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập II, NXB Giáo Dục, 2001

Lịch sử cận – hiện đại Việt Nam, một số vấn đề nghiên cứu, NXB Thế giới, 1998

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB KHXH, 1992

Lê Huệ - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Nguồn: Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước


 
In Gửi Email
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả: